Chào mừng Quý Thầy Cô, Quý Cha mẹ học sinh, và các bạn học sinh đến với Phòng Tâm lý học đường trực tuyến dành riêng cho học sinh trên địa bàn Quận Tân Phú. Đây là dự án được thực hiện nhằm trang bị cho học sinh những kiến thức cần thiết về đời sống tâm lý và chăm sóc sức khoẻ tinh thần, hỗ trợ phòng ngừa, phát hiện và can thiệp kịp thời giúp học sinh giải quyết các vấn đề tâm lý. Thông qua dự án, góp phần nâng cao chất lượng đời sống tinh thần học sinh và xây dựng môi trường học đường trong sạch, lành mạnh.

6 Bí kíp tâm sự thật dễ với ba mẹ


Khi chúng ta lớn lên, thật khó để  trò chuyện với ba mẹ như lúc nhỏ, chúng ta chúng ta dần cảm thấy ba mẹ như những “người quen xa lạ”, chúng ta bắt đầu có những bí mật của riêng mình. Nhưng liệu đó có phải sự thật? Thật ra, mỗi mối quan hệ đều cần sự vun đắp từ hai phía. Để ba mẹ có cơ hội hiểu mình, chúng ta cũng phải học cách nói chuyện, chia sẻ với ba mẹ. Làm thế nào để vượt qua cảm giác “ngài ngại”, cải thiện mối quan hệ với các bậc phụ huynh của chúng mình? Mách bạn những  bí kíp sau đây nhé!


Bí kíp số 1: Chuyện phiếm

Hãy cố gắng nói chuyện với ba mẹ mỗi ngày một chút, về những chuyện lặt vặt như môn bóng đá ở trường, tối nay ăn gì, con chó nhà hàng xóm… Những chuyện này tưởng như vô nghĩa, nhưng lại giúp giữ mối kết nối giữa ba mẹ và bạn.


Bí kíp số 2: Thả “chim mồi”

Nếu bạn muốn nói về một chuyện to tát, thì đôi khi, sẽ dễ hơn nếu bạn vòng vo một chút, thay vì nói huỵch toẹt ra một cách căng thẳng.

Ví dụ, bạn muốn tâm sự với ba/mẹ là bạn có “crush” nhưng không biết ba/mẹ nghĩ gì? Vậy thì hãy “vòng vo” một chút :“Ba nhớ bạn A, chơi với con hay sang nhà mình đợt trước không? Bữa trước được một bạn lớp kế bên tỏ tình á, buồn cười lắm”.


Bí kíp số 3: Chọn đúng thời điểm

Không ai muốn nghe tin xấu hay một câu chuyện dài lê thê vào buổi sáng bận rộn, ba mẹ cũng thế. Trò chuyện lúc ba mẹ đang rảnh rỗi hoặc chỉ làm vài việc vặt trong nhà sẽ hợp lý hơn.

Và nếu bạn đang giận dữ hay xúc động mạnh, hãy đợi đến khi bình tĩnh lại rồi nói chuyện. Chúng mình hãy cứ khóc, chạy bộ, hoặc làm gì đó để “hạ hỏa” trước đã!!


Bí kíp số 4: Hãy luôn trung thực

Bạn cần thông báo với ba mẹ một tin tức không vui lắm? Hay cần xin phép ba mẹ đi chơi xa? Nhưng bạn lo sẽ bị ba mẹ trách mắng, bạn sợ ba mẹ sẽ không cho đi, bạn tự hỏi mình có nên “qua mặt” phụ huynh một chút?

Thôi nào, tụi mình có thể “trót lọt” một hai lần nhưng sớm hay muộn phụ huynh cũng có thể phát hiện ra. Nếu muốn được tin tưởng, muốn được xem là người lớn hãy luôn trung thực. Bạn không thể đòi hỏi niềm tin từ phụ huynh khi bạn luôn che giấu hoặc thêm bớt quá nhiều vào mọi chuyện. Xuất phát từ sự lo lắng phụ huynh sẽ luôn đặt câu hỏi trước những câu chuyện của bạn.




Bí kíp số 5: Lắng nghe khi ba mẹ nói

“Không, không phải như thế!”, “Ba chỉ toàn nói theo ý của ba thôi”,“Thôi lần sau con chẳng nói với mẹ nữa, mẹ chẳng hiểu gì cả!”

Khi nghe một ý kiến trái chiều từ ba mẹ, bạn có từng phản đối gay gắt ngay lập tức như thế không? Bạn biết không, nếu bạn để ba mẹ có thời gian nói cho bạn biết những gì ba mẹ nghĩ, thì khả năng ba mẹ sẽ lắng nghe bạn cũng cao hơn. Một cách nói thân thiện và tôn trọng làm tăng khả năng phụ huynh sẽ lắng nghe và tin rằng những gì bạn nói là nghiêm túc.

Tất nhiên, cũng hiểu điều này thật khó khăn khi chúng ta đang cảm thấy bực mình về một cái gì đó. Hãy thử “nguyên tắc 5 giây”, đợi 5 giây sau khi ba mẹ nói xong, rồi mới nói ý kiến của mình. Bạn cũng không muốn trong những phút nóng giận, lỡ lời, mình sẽ nói gì đó làm tổn thương ba mẹ đúng không?



Bí kíp số 6: Luôn nhớ rằng ba mẹ rất yêu thương và quan tâm đến bạn

Sự thật là ba mẹ có thể cho bạn rất nhiều lời khuyên hữu ích (dù đôi khi, bạn không nhất thiết phải làm theo tất cả những lời khuyên đó), ba mẹ luôn muốn che chở cho bạn.

Chỉ cần bạn biết cách nói chuyện với ba mẹ. Bạn sẽ ngạc nhiên khi chỉ thay đổi cách trò chuyện mà có thể thay đổi cả mối quan hệ của bạn với ba mẹ đấy!  


Nguồn: Psygital




Mới hơn Cũ hơn

Bài viết

Tư vấn

Tiện ích

Kết nối

Cá nhân