Những kỹ năng ứng phó không lành mạnh cần tránh khi gặp phải những cảm xúc khó chịu và một số lưu ý khác.
Những kỹ năng ứng phó không lành mạnh cần tránh
Chỉ vì một chiến lược giúp bạn chịu đựng nỗi đau tinh thần không có nghĩa là nó lành mạnh. Một số kỹ năng ứng phó có thể tạo ra những vấn đề lớn hơn trong cuộc sống của bạn. Dưới đây là một số ví dụ về kỹ năng ứng phó không lành mạnh:
- Uống rượu hoặc sử dụng chất: Các chất có thể tạm thời làm giảm cơn đau nhưng chúng sẽ không giải quyết được vấn đề của bạn, bên cạnh đó, chúng còn có khả năng gây ra những vấn đề mới trong cuộc sống. Ví dụ, rượu là chất gây trầm cảm có thể khiến bạn cảm thấy tồi tệ hơn. Sử dụng chất gây nghiện cũng khiến bạn có nguy cơ mắc chứng rối loạn sử dụng chất và nó có thể gây ra các vấn đề về sức khỏe, pháp lý, tài chính và xã hội.
- Ăn vô độ: Thực phẩm là một chiến lược ứng phó phổ biến. Tuy nhiên, việc cố gắng “nhồi nhét cảm xúc” bằng thức ăn có thể dẫn đến mối liên hệ không lành mạnh với các vấn đề về thực phẩm và sức khỏe. Đôi khi mọi người đi theo hướng cực đoan khác và hạn chế ăn uống (vì điều đó khiến họ cảm thấy tự chủ hơn) và rõ ràng, điều đó có thể không tốt cho sức khỏe.
- Ngủ quá nhiều: Cho dù bạn chợp mắt khi căng thẳng hay ngủ muộn để tránh phải đối mặt với ngày mới, thì giấc ngủ chỉ giúp bạn tạm thời thoát khỏi các vấn đề. Vì khi bạn thức dậy thì vấn đề vẫn còn đó.
- Tâm sự với người khác: Nói về vấn đề của bạn để có thể nhận được sự hỗ trợ, phát triển giải pháp hoặc nhìn nhận vấn đề theo một cách khác có thể là điều lành mạnh. Nhưng các nghiên cứu cho thấy việc liên tục trút giận với mọi người về tình hình tồi tệ hoặc bạn cảm thấy khủng khiếp như thế nào sẽ có nhiều khả năng khiến bạn mắc kẹt trong nỗi đau.
- Chi tiêu quá mức: Trong khi nhiều người nói rằng họ thích mua sắm như một cách để cảm thấy tốt hơn thì việc mua sắm có thể trở nên không lành mạnh. Sở hữu quá nhiều tài sản có thể gây thêm căng thẳng cho cuộc sống của bạn. Ngoài ra, chi tiêu nhiều hơn khả năng của bạn cuối cùng sẽ chỉ phản tác dụng và gây ra nhiều căng thẳng hơn.
- Tránh né: Ngay cả những chiến lược ứng phó “lành mạnh” cũng có thể trở nên không lành mạnh nếu bạn sử dụng chúng với mục đích là để trốn tránh vấn đề. Ví dụ: nếu bạn căng thẳng về tình hình tài chính của mình, bạn có thể muốn dành thời gian với bạn bè hoặc xem TV vì điều đó ít gây lo lắng hơn so với việc nghĩ đến vấn đề gia tăng ngân sách. Nhưng nếu bạn không thật sự giải quyết được vấn đề tài chính của mình thì các chiến lược ứng phó bạn sử dụng cũng chỉ đang tạm thời che giấu vấn đề.
Tóm lại
Các kỹ thuật ứng phó không lành mạnh—chẳng hạn như uống rượu hoặc trốn tránh vấn đề - có thể mang lại sự xoa dịu tạm thời nhưng về lâu dài chúng có xu hướng khiến mọi việc trở nên tồi tệ hơn. Những chiến thuật không lành mạnh này cũng có thể dẫn đến những vấn đề khác, tạo thêm căng thẳng và khiến việc ứng phó trở nên khó khăn hơn.
Kỹ năng ứng phó chủ động
Kỹ năng ứng phó thường được thảo luận như một chiến lược phản ứng: Khi bạn cảm thấy tồi tệ, bạn sẽ làm gì đó để ứng phó. Tuy nhiên, nghiên cứu cho thấy các chiến lược ứng phó chủ động có thể quản lý hiệu quả những trở ngại trong tương lai mà bạn có thể gặp phải.
Ví dụ: nếu bạn đã nỗ lực giảm cân, các chiến lược ứng phó chủ động có thể giúp bạn duy trì cân nặng sau khi quá trình giảm cân kết thúc. Bạn có thể lên kế hoạch cho những tình huống có thể khiến bạn chệch hướng - chẳng hạn như kỳ nghỉ lễ hoặc lời mời ăn tối từ bạn bè - để giúp bạn ứng phó. Bạn cũng có thể lập kế hoạch về cách ứng phó với những cảm xúc có thể kích hoạt việc ăn vặt, chẳng hạn như buồn chán hoặc cô đơn.
Chủ động ứng phó cũng có thể giúp mọi người đối mặt với những thay đổi bất ngờ trong cuộc sống, chẳng hạn như thay đổi lớn về sức khỏe. Một nghiên cứu năm 2014 cho thấy những người chủ động ứng phó có khả năng xử lý tốt hơn với những thay đổi họ gặp phải sau khi bị đột quỵ.
Một nghiên cứu khác cho thấy những người chủ động ứng phó được trang bị tốt hơn để kiểm soát bệnh tiểu đường loại 2 của họ. Những người tham gia lên kế hoạch trước và đặt ra các mục tiêu thực tế sẽ có tâm lý thoải mái hơn.
Vì vậy, nếu bạn đang phải đối mặt với một sự kiện căng thẳng trong cuộc sống hoặc vừa trải qua một sự thay đổi lớn, hãy thử lên kế hoạch trước. Hãy xem xét những kỹ năng bạn có thể sử dụng để ứng phó với những thách thức mà bạn có thể gặp phải. Khi bạn chuẩn bị sẵn một “hộp công cụ”, bạn sẽ biết phải làm gì. Và điều đó có thể giúp bạn cảm thấy được trang bị tốt hơn để đối mặt với những thử thách phía trước.
Tóm lại
Chủ động ứng phó đã được coi là một cách hiệu quả để giúp mọi người ứng phó với cả những thay đổi có thể dự đoán được như sự sụt giảm thu nhập khi nghỉ hưu, cũng như những thay đổi khó lường trong cuộc sống như sự khởi phát của tình trạng sức khỏe mãn tính.
Tìm những gì phù hợp với bạn
Các chiến lược ứng phó có thể hiệu quả với người khác nhưng không thật sự hữu hiệu với bạn. Như việc đi dạo có thể giúp đối tác của bạn bình tĩnh lại, nhưng bạn có thể nhận thấy việc đi dạo khi đang tức giận khiến bạn suy nghĩ nhiều hơn về lý do khiến bạn tức giận - và điều đó dường như thúc đẩy cảm giác tức giận của bạn hơn. Vì vậy, bạn có thể quyết định xem một video hài hước trong vài phút sẽ giúp bạn thư giãn.
Bạn có thể thấy rằng một số chiến lược ứng phó nhất định có tác dụng đối với các vấn đề hoặc cảm xúc cụ thể. Ví dụ, việc bắt đầu vào một sở thích có thể là một cách hiệu quả để thư giãn sau một ngày dài làm việc. Tuy nhiên, đi dạo giữa thiên nhiên có thể là cách tốt nhất khi bạn cảm thấy buồn.
Khi nói đến kỹ năng ứng phó, luôn có cơ hội để cải thiện. Vì vậy, hãy đánh giá những công cụ và tài nguyên mà bạn có thể sử dụng và xem xét cách bạn có thể tiếp tục trau dồi kỹ năng của mình trong tương lai.
Tóm lại
Điều quan trọng là bạn phải phát triển bộ công cụ kỹ năng ứng phó của riêng mình mà bạn thấy hữu ích. Bạn có thể cần phải thử nghiệm nhiều chiến lược ứng phó khác nhau để tìm ra chiến lược nào phù hợp nhất với mình.
Lời kết từ Verywell
Kỹ năng ứng phó lành mạnh có thể giúp bảo vệ bạn khỏi đau khổ và đối mặt với các vấn đề trước khi chúng trở nên nghiêm trọng hơn. Bằng cách hiểu rõ hai loại kỹ năng ứng phó chính, bạn có thể lựa chọn các chiến lược phù hợp với các loại căng thẳng khác nhau.
Nếu bạn đang gặp khó khăn trong việc rèn luyện các kỹ năng ứng phó lành mạnh hoặc thay vào đó thấy mình dựa vào những kỹ năng không lành mạnh, việc nói chuyện với chuyên gia sức khỏe tinh thần có thể hữu ích. Một nhà trị liệu có thể làm việc với bạn để phát triển những kỹ năng mới giúp ích cho sức khỏe tinh thần của bạn trong nhiều năm tới.
Tham khảo
- Amy Morin (2023). Healthy Coping Skills for Uncomfortable Emotions. Verywell Mind. Retrieved from Coping Skills for Stress and Uncomfortable Emotions (verywellmind.com)