Chào mừng Quý Thầy Cô, Quý Cha mẹ học sinh, và các bạn học sinh đến với Phòng Tâm lý học đường trực tuyến dành riêng cho học sinh trên địa bàn Quận Tân Phú. Đây là dự án được thực hiện nhằm trang bị cho học sinh những kiến thức cần thiết về đời sống tâm lý và chăm sóc sức khoẻ tinh thần, hỗ trợ phòng ngừa, phát hiện và can thiệp kịp thời giúp học sinh giải quyết các vấn đề tâm lý. Thông qua dự án, góp phần nâng cao chất lượng đời sống tinh thần học sinh và xây dựng môi trường học đường trong sạch, lành mạnh.

Não Học Tập & Não Sinh Tồn: Sự khác biệt là gì?


Nếu bạn từng nhận thấy rằng bạn càng căng thẳng thì công việc hàng ngày càng trở nên khó khăn hơn thì bạn đã trải nghiệm được sự khác biệt giữa não học tập và não sinh tồn. Nhìn chung, chủ đề này phức tạp hơn so với việc thắt dây giày hoặc nhớ chìa khóa của mình ở đâu, nhưng những điều nhỏ nhặt đó có thể quyết định trạng thái cuộc sống của chúng ta nhiều hơn chúng ta nghĩ.

Tại bất kỳ thời điểm nào khi chúng ta thức, bộ não luôn bật chế độ học tập hoặc chế độ sinh tồn. Để có được sức khỏe, sự khỏe mạnh và hạnh phúc tối ưu, chế độ học tập là mục tiêu. Trước mắt, chúng ta sẽ xem xét hai trạng thái não bộ liên quan đến điều gì, nguyên nhân tạo ra não sinh tồn và các bước bạn có thể thực hiện để chuyển từ trạng thái sinh tồn trở lại trạng thái học tập.

Bộ não học tập là gì?

Bộ não học tập là bộ não có khả năng tiếp nhận thông tin mới. Điều đó cũng có nghĩa là bạn có thể thực hiện các công việc hàng ngày bạn quen thuộc mà không gặp nhiều vấn đề, và bạn có thể không thấy những công việc đó gây nên sự căng thẳng hay bực bội.

Nếu bạn hiện đang trải qua một cuộc sống lành mạnh mà không có bất cứ điều gì lớn xảy ra, chẳng hạn như những thách thức hoặc chấn thương về sức khỏe tâm thần, thì rất có thể bạn đang ở chế độ học tập của não. Điều này có nghĩa là các ý tưởng về điều gì đó mới mẻ có thể khiến bạn hứng thú và có thể bạn cảm thấy cởi mở với những ý tưởng mới. Nói tóm lại, bộ não học tập là bộ não có khả năng và thường ham học hỏi.

Thế nào là bộ não sinh tồn?

Não sinh tồn là điều xảy ra khi bạn cảm thấy choáng ngợp về tinh thần và/hoặc cảm xúc và không thể xử lý những ý tưởng mới. Ngoài ra, bạn có thể thấy những công việc cơ bản hàng ngày dễ dàng lại trở nên phức tạp hoặc khó khăn hơn. Việc đang trong trạng thái não sinh tồn không có nghĩa là bạn đã làm gì sai! Nó đơn giản báo hiệu rằng bộ não của bạn quá bận rộn với việc đảm bảo rằng bạn có thể vượt qua cuộc sống đến mức không thể đảm nhận bất cứ điều gì mới vào lúc này; bộ não sinh tồn là bộ não tập trung vào việc giữ cho bạn sống sót.


Chúng ta hãy xem xét các nguyên nhân khác nhau của bộ não sống sót.

Nguyên nhân cho trạng thái sống còn của não

Bất cứ điều gì khiến bạn choáng ngợp đều có thể là nguyên nhân khiến bạn rơi vào trạng thái não sinh tồn. Tuy nhiên, có một số trường hợp phổ biến có nhiều khả năng dẫn đến việc chuyển sang chế độ não sinh tồn. Hãy xem đó là những gì.

Căng thẳng mãn tính

Bộ não của chúng ta được xây dựng và thiết kế để xử lý căng thẳng, nhưng ở một số trường hợp, sự căng thẳng diễn tiến trong một khoảng thời gian dài có thể khiến não không thể hoạt động bình thường. Có thể có những vấn đề về thần kinh kéo dài do căng thẳng quá mức. Một nghiên cứu lưu ý rằng căng thẳng có thể gây ra sự mất cân bằng trong các phần não kiểm soát nhận thức, ra quyết định, lo lắng và tâm trạng, việc này có thể ảnh hưởng đến những hành vi và trạng thái hành vi đó.

Điều này có nghĩa là căng thẳng làm giảm khả năng thực hiện những việc đơn giản như đưa ra quyết định hoặc duy trì tâm trạng ở mức trung bình. Đó không phải lỗi của bạn mà là do chức năng sinh học. Vì vậy, cũng hợp lý khi nói rằng bạn không thể học được điều mới khi ở trạng thái căng thẳng trong thời gian dài.

Sang chấn

Khi bạn trải qua sang chấn, việc sống sót từ khoảnh khắc này sang khoảnh khắc tiếp theo có thể gần như là một việc bất khả thi. Cũng giống như căng thẳng mãn tính, sang chấn có thể khiến bộ não trở nên tồi tệ hơn, khiến bạn không thể làm gì để phản ứng trước một sự kiện bất kỳ.

Cơ thể bạn sản xuất cortisol, một loại hormone gây căng thẳng, để phản ứng với một sự kiện gây sang chấn khi nó xảy ra, do đó, hệ quả dẫn đến trạng thái bộ não do sang chấn cũng tương tự như do căng thẳng mãn tính. Một nghiên cứu đã mô tả rất rõ điều đó khi nói rằng “trong một trải nghiệm gây sang chấn, não bò sát sẽ nắm quyền kiểm soát, điều hướng cơ thể sang chế độ phản ứng phù hợp với tình huống đó. Tắt tất cả các quá trình không cần thiết của cơ thể và tâm trí, thân não sẽ điều phối ở chế độ sinh tồn”. Chấn thương tâm lý cũng có thể dẫn đến PTSD mà chúng ta sẽ thảo luận tiếp theo.

Rối loạn căng thẳng sau sang chấn (Post Traumatic Stress Disorder - PTSD)

Chịu đựng một sự kiện đau buồn là đã đủ tệ rồi, nhưng thường thì vết thương lòng đó không kết thúc chỉ vì sự kiện đó đã kết thúc. Rối loạn căng thẳng sau sang chấn, một chứng rối loạn tâm thần liên quan đến sự đau khổ cùng cực và sự gián đoạn trong cuộc sống hàng ngày xảy ra sau khi trải qua một sự kiện đau thương, thường gặp ở những người đã trải qua sang chấn và trong khi đối với một số người, nó giải quyết nhanh chóng, đối với một số người khác thì có thể mất một thời gian dài. Vì vậy, hãy xem PTSD như một phiên bản khác của căng thẳng mãn tính, trong đó sự căng thẳng của rối loạn này tập trung vào một sự kiện cụ thể.  

PTSD thực sự gây ra những thay đổi đối với não bộ và việc không thể học được điều mới dễ dàng là một trong số những thay đổi đó. Hồi hải mã - vốn được sử dụng cho trí nhớ, lại bị ảnh hưởng bởi PTSD, do đó, hoàn toàn hợp lý khi bạn cảm thấy không thể học được điều gì đó mới khi bạn đang mắc PTSD.


Làm thế nào để chuyển từ bộ não sinh tồn sang bộ não học tập?

Bây giờ bạn đã hiểu nguyên nhân gây ra bộ não sinh tồn, có lẽ bạn quan tâm đến việc khám phá cách chuyển trở lại bộ não học tập để có thể tận hưởng cuộc sống nhiều hơn và dễ tiếp thu những ý tưởng mới hơn. Rất may, nó có thể là một quá trình dễ dàng hơn bạn nghĩ! Có nhiều cách để chuyển bộ não của bạn sang chế độ học tập. Hãy xem xét chúng.

Làm dịu hệ thần kinh

Bất cứ điều gì giúp bạn thư giãn đều có thể giúp bạn bớt căng thẳng hơn, và khi bớt căng thẳng hơn có thể giúp bạn thoát khỏi chế độ não sinh tồn. Khi bạn bị căng thẳng mãn tính hoặc PTSD, hạch hạnh nhân sẽ hoạt động quá mức.

Việc xoa dịu hệ thần kinh sẽ giúp ngăn chặn căng thẳng, từ đó sẽ khiến bạn cảm thấy dễ chịu hơn. Yoga và thiền có thể hữu ích để làm dịu hệ thần kinh của một người, cũng như tập thể dục. Bất kỳ chuyển động nào của cơ thể mà bạn cảm thấy dễ chịu, ngay cả những bài tập giãn cơ đơn giản đều hữu ích. 

Giải quyết các nguồn gây căng thẳng

Không có cách nào để phục hồi sau ảnh hưởng của căng thẳng mãn tính nếu bạn vẫn đang trải nghiệm chúng. Bạn chưa thể thoát khỏi chế độ sinh tồn khi bộ não cảm thấy rằng sự sống còn của bản thân đang bị đe dọa và cần phải tập trung vào. 

Điều quan trọng là phải giải quyết các nguồn gây căng thẳng và đánh giá xem có điều gì bạn có thể loại bỏ khỏi cuộc sống của mình hay không. Điều này có thể mất thời gian. Ví dụ: nếu nguồn gốc gây căng thẳng mãn tính của bạn là công việc mà bạn không thích hoặc một đối tác không tử tế với bạn, bạn không nhất thiết phải loại bỏ chúng khỏi cuộc sống nếu chưa có kế hoạch tiếp theo.

Bạn sẽ thấy rằng việc hành động, ngay cả những bước đầu tiên sơ bộ nhất trong kế hoạch loại bỏ điều gì đó tiêu cực khỏi cuộc sống, cũng có thể khiến bạn cảm thấy nhẹ nhõm. Bạn càng có khả năng giải quyết các nguồn gây căng thẳng của mình thì bộ não càng dễ dàng chuyển sang chế độ học tập.

Giải quyết sang chấn và PTSD

Nếu gần đây bạn vừa trải qua chấn thương tâm lý hoặc nếu bạn mắc chứng PTSD, điều quan trọng là đảm bảo bạn nhận được sự trợ giúp cần thiết để vượt qua sự kiện đau thương đó. Nếu không, bạn có thể bị mắc kẹt trong nhiều tháng hoặc nhiều năm trong chế độ sống sót - nhưng bằng cách giải quyết sang chấn, bạn sẽ có thể vượt qua nó. 

Khi làm vậy, bạn sẽ thấy mình cởi mở hơn với những trải nghiệm và ý tưởng mới. Có nhiều cách để giải quyết sang chấn và PTSD, từ việc nói về nó với bạn bè và gia đình cho đến sự trợ giúp của chuyên gia. Trị liệu, dù là cá nhân hay nhóm, đều có thể mang lại lợi ích cao trong việc giải quyết PTSD.

Nghỉ ngơi

Nghe có vẻ nhàm chán nhưng việc nghỉ ngơi là vô cùng quan trọng để chúng ta hoạt động như một con người. Trạng thái chuyển từ não học tập sang não sinh tồn là một dấu hiệu cho thấy cơ thể đang cần nghỉ ngơi, và việc nghỉ ngơi chắc chắn có thể giúp bạn quay trở lại chế độ não học tập. 

Hệ thống thần kinh của bạn sẽ có thời gian để bình tĩnh lại, bộ não sẽ có thời gian để nạp lại năng lượng và xử lý thông tin về các sự kiện gần đây, và tinh thần chung của bạn có thể được phục hồi chỉ sau khi bạn nghỉ ngơi một chút. Nghỉ ngơi có thể bao gồm việc bạn làm bất cứ điều gì bình tĩnh và yên bình, từ đọc sách, xem tivi đến ngủ trưa hoặc đi tắm. 

Theo đuổi các hoạt động vui vẻ

Cung cấp cho cơ thể mình các chất hóa học hạnh phúc như dopamine là một cách tuyệt vời để làm dịu hệ thống và bộ não. Bất cứ điều gì khiến bạn cảm thấy vui vẻ và tạo ra cảm giác mà bạn thích thú đều có giá trị!

Cho dù bạn thích chơi thể thao, nằm dài trên bãi biển, dắt chó đi dạo, vẽ, làm đồ thủ công, ăn những bữa ăn sang trọng ở nhà hàng hay cắm hoa, hay làm những gì bạn yêu thích là một trong những cách tốt nhất để làm mới bản thân và chuyển não trở lại chế độ học tập.

Thực hiện một trong những hoạt động đó với một hoặc nhiều người mà bạn thích sẽ chỉ nâng cao hiệu quả.


Lời kết từ Very Well Mind

Dù bạn mong muốn chuyển đổi từ bộ não sinh tồn sang bộ não học tập đến mức nào, nhưng hãy biết rằng quá trình này có thể mất một thời gian và đôi khi cần có sự hỗ trợ chuyên môn. Đừng ngại tìm kiếm sự giúp đỡ từ chuyên gia nếu bạn đang gặp khó khăn hoặc cảm thấy mọi thứ hiện tại quá sức đối với bạn.

Việc áp dụng nhiều phương pháp hữu ích có thể đẩy nhanh quá trình, nhưng hãy kiên nhẫn với bản thân và nhớ rằng việc chữa lành không bao giờ diễn ra ngay lập tức. Đó là một quá trình và bộ não của chúng ta có thể phục hồi theo những cách đáng kinh ngạc khi chúng ta dành thời gian và sự chăm sóc cho bản thân.

Nguồn

  • Ariane Resnick (2022). Learning Brain vs. Survival Brain: What's the Difference? Retrieved from Learning Brain vs. Survival Brain: What's the Difference? (verywellmind.com)


Mới hơn Cũ hơn

Bài viết

Tư vấn

Tiện ích

Kết nối

Cá nhân