Chào mừng Quý Thầy Cô, Quý Cha mẹ học sinh, và các bạn học sinh đến với Phòng Tâm lý học đường trực tuyến dành riêng cho học sinh trên địa bàn Quận Tân Phú. Đây là dự án được thực hiện nhằm trang bị cho học sinh những kiến thức cần thiết về đời sống tâm lý và chăm sóc sức khoẻ tinh thần, hỗ trợ phòng ngừa, phát hiện và can thiệp kịp thời giúp học sinh giải quyết các vấn đề tâm lý. Thông qua dự án, góp phần nâng cao chất lượng đời sống tinh thần học sinh và xây dựng môi trường học đường trong sạch, lành mạnh.

Hướng đi cho học sinh Trung học cơ sở sau khi ra trường


Không ít học sinh luôn lo lắng rằng sau khi hoàn thành bậc học THCS, bản thân sẽ phải lựa chọn con đường nào: đặt nguyện vọng học ở trường THPT hay học nghề; chọn trường tư thục hay trường công lập, nên vào trường điểm hay không hoặc dừng lại việc học và tham gia cuộc sống lao động, ... Sẽ có rất nhiều vấn đề đặt ra, học sinh và gia đình phải đứng trước những lựa chọn mà quyết định đưa ra sẽ là bước ngoặt cho tương lai. Vì vậy, rất cần sự cân nhắc kỹ càng, sự hỗ trợ tư vấn phụ thuộc vào năng lực học tập, điều kiện của mỗi học sinh.

Nhiều cơ hội để lựa chọn hướng đi phù hợp với năng lực, sở trường, điều kiện gia đình và định hướng nghề nghiệp

Khi có kết quả chưa trúng tuyển vào trường công lập, rất nhiều phụ huynh và học sinh băn khoăn về hướng đi tương lai cho con đường học tập. Tuy nhiên, hệ thống giáo dục luôn đa dạng và đảm bảo đủ chỗ học cho toàn bộ HS sau THCS. Một ví dụ cụ thể là theo công bố của Lê Hoài Nam – Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM với tạp chí giáo dục TP.HCM: “Năm học 2022 - 2023, TP.HCM có 240 cơ sở giáo dục tuyển sinh lớp 10 THPT với tổng chỉ tiêu lên đến 122.415, bao gồm trường THPT công lập, tư thục, trường có yếu tố nước ngoài, trung tâm GDNN-GDTX, trung tâm GDTX và hệ thống các trường TC, CĐ nghề. Trong đó, ngoài 72.800 chỉ tiêu vào lớp 10 các trường THPT công lập thông qua kỳ thi  tuyển sinh vào lớp 10 thì có gần 50.000 chỉ tiêu của các cơ sở giáo dục tư thục, dân lập, trường có vốn đầu tư nước ngoài, trung tâm GDNN-GDTX, trung tâm GDTX và các trường nghề… Những trường này sẽ tuyển HS đã hoàn thành bậc THCS vào học lớp 10 bằng hình  thức xét tuyển.”  

Như vậy có thể thấy, ngành giáo dục luôn sẵn sàng và công bằng với tất cả học sinh. Phụ huynh và học sinh là người chủ động lựa chọn “đích đến” phù hợp cho với năng lực, điều kiện và định hướng nghề nghiệp đã đề ra. 

Làm thế nào để đối diện đối diện với những băn khoăn về hướng đi sau khi tốt nghiệp THCS?

Đứng trước nhiều lựa chọn, không phải học sinh nào cũng đủ nhận thức và kỹ năng để giải quyết những khó khăn trong việc chọn hướng đi sau khi tốt nghiệp cấp THCS. Việc khám phá bản thân để hiểu rõ thế mạnh, điểm cần khắc phục hay sở thích, tính cách,… chính là chìa khóa để học sinh tìm ra cho mình một ngành nghề phù hợp trong tương lai. Bên cạnh đó, gia đình và nhà trường giáo dục cần quan tâm và đầu tư trong hoạt động hướng nghiệp cho học sinh. Ở độ tuổi này, học sinh vẫn cần nhiều sự hỗ trợ từ người lớn; chính vì vậy, gia đình và nhà trường là nguồn lực giúp học sinh cùng xây dựng một nền tảng vững chắc để nhận thức và định hướng đúng về việc chọn trường, chọn nghề phù hợp.  Một số hoạt động có thể giúp học sinh hiểu rõ hơn về bản thân và hỗ trợ tốt cho hoạt động giáo dục hướng nghiệp là:  

∙ Thực hiện các bài trắc nghiệm tâm lý: trắc nghiệm hướng nghiệp MBTI, Trắc nghiệm Holland, Trắc nghiệm EPI, …  

∙ Tham gia các cuộc thi, hội thao, …  

∙ Tham gia các hoạt động ngoại khóa 

∙ Lắng nghe các chuyên đề liên quan đến tuyển sinh và định hướng nghề nghiệp

∙ Tham gia các buổi workshop về kỹ năng 

∙ Tự trang bị những kiến thức về trường, về nghề, … thông qua sách, báo, các nguồn thông tin chính thống, uy tín.  

Ngoài ra, khi đối diện với những khó khăn khi đưa ra quyết định, học sinh cần nhờ đến sự tư vấn và hỗ trợ của phụ huynh, thầy cô, chuyên gia tư vấn, … hoặc người có kinh nghiệm và có thể tin tưởng. Những góp ý từ họ có thể phần nào giúp học sinh có thêm cái nhìn và sáng suốt hơn khi ra quyết định.  

Đối với trường hợp học sinh có nguyện vọng khác với phụ huynh dẫn đến mâu thuẫn, không hài lòng thì hãy bình tĩnh và cố gắng khoan vội vàng đưa ra quyết định. Đừng ngần ngại và hãy thử chia sẻ ý kiến, sự yêu thích và những ưu điểm trong lựa chọn của mình cho bố mẹ nghe.  

Các phụ huynh khi cùng con chọn trường, chọn nghề sau khi hoàn thành chương trình THCS cũng cần lưu ý rằng: Tuy các em cần nhiều sự hỗ trợ của người lớn nhưng các em có quyền được quyết định và theo đuổi thế mạnh và ước mơ của mình. Vì vậy, đừng vội vàng bác bỏ nguyện vọng của trẻ. Cần cố gắng xem xét lại việc đăng ký trường đó, việc chọn nghề đó có phù hợp với năng lực, sở thích và điều kiện của con hay không.  

Tóm lại, giai đoạn chuyển cấp từ THCS sang giai đoạn mới là một giai đoạn vô cùng quan trọng. Có cả sự hy vọng và đôi khi có sự áp đặt, chính vì vậy học sinh khó tránh khỏi những lo lắng, áp lực. Thay vì yêu cầu con làm theo định hướng thì các bậc cha mẹ nên cố gắng động viên con mình và nói chuyện chia sẻ với con nhiều hơn. Từ đó, phụ huynh có thể hiểu rõ hơn sở thích và năng lực của con và cùng con chọn trường, chọn nghề, chọn ra hướng đi phù hợp cho tương lai. Còn đối với vai trò chủ thể, học sinh cần trau dồi năng lực học tập và cả các kỹ năng sống cần thiết. Học sinh THCS sẽ có rất nhiều lựa chọn, vì vậy cần tiếp thu ý kiến từ mọi người và chủ động khám phá khả năng qua các hoạt động giáo dục hướng nghiệp để cân nhắc trong việc chọn trường, chọn nghề phù hợp với mình.



Tham khảo

  • Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Lê Hoài Nam: Đảm bảo kỳ thi tuyển sinh 10 diễn ra an  toàn, nghiêm túc (6/6/2022). Tạp chí Giáo dục TP.HCM. Trích xuất từ: https://www.giaoduc.edu.vn/pho-giam-doc-so-gd-dt-tphcm-le-hoai-nam-dam-bao-ky-thi tuyen-sinh-10-dien-ra-an-toan-nghiem-tuc.htm


Biên tập: Nguyễn Thị Hồng Thái


Mới hơn Cũ hơn

Bài viết

Tư vấn

Tiện ích

Kết nối

Cá nhân