Chào mừng Quý Thầy Cô, Quý Cha mẹ học sinh, và các bạn học sinh đến với Phòng Tâm lý học đường trực tuyến dành riêng cho học sinh trên địa bàn Quận Tân Phú. Đây là dự án được thực hiện nhằm trang bị cho học sinh những kiến thức cần thiết về đời sống tâm lý và chăm sóc sức khoẻ tinh thần, hỗ trợ phòng ngừa, phát hiện và can thiệp kịp thời giúp học sinh giải quyết các vấn đề tâm lý. Thông qua dự án, góp phần nâng cao chất lượng đời sống tinh thần học sinh và xây dựng môi trường học đường trong sạch, lành mạnh.

Đây là 6 nguyên nhân khiến bạn mệt mỏi cả ngày và 6 cách để khắc phục điều đó


Đã bao giờ bạn phải bỏ dở công việc hay thậm chí rời khỏi phòng họp vì quá mệt mỏi hay chưa? Nhất là những nhân viên làm việc văn phòng, nhiều khi chúng ta vẫn tự hỏi điều gì đã khiến cả ngày của mình mệt mỏi và buồn ngủ đến vậy?

Hóa ra, có vô vàn nguyên nhân có thể khiến bạn thấy người mình "như đi mượn". Một số trong đó là những điều "biết rồi, khổ lắm, nói mãi", nhưng đáng tiếc là bạn ít khi để ý và thực hiện.

Nhưng cũng có những nguyên nhân khác mà bạn có thể lần đầu nghe thấy, chẳng hạn như một chứng bệnh hoặc nhịp sinh học của cơ thể. Vậy hãy cùng PSYGITAL tìm hiểu:

Những nguyên nhân khiến bạn mệt mỏi và buồn ngủ cả ngày

1. Bạn không ngủ đủ giấc

Có lẽ bạn đã thừa biết điều này nhưng lại chẳng mấy khi thực hiện. Ngủ đủ giấc nghe thì đơn giản nhưng đề làm được thì không dễ một chút nào.

Bác sĩ Brian Murray, một nhà thần kinh học đang công tác tại Phòng khám Rối loạn Giấc ngủ, Viện Nghiên cứu Toronto Sunny Sunnybrook cho biết: "Hầu hết mọi người cần ngủ từ bảy đến chín tiếng mỗi ngày, nhưng họ đều chỉ ngủ ít hơn".

2. Bạn không tập thể thể dục đủ, và không ăn uống đủ chất

Một lần nữa, đây là những câu trả lời nhàm chán mà bạn có thể đã nghe đi nghe lại rồi. Nhưng đáng tiếc, đó lại là sự thật.

Có vô số nghiên cứu chứng minh tăng cường hoạt động thể chất có thể giúp bạn cải thiện giấc ngủ và ngủ sâu hơn. Tương tự, các nghiên cứu đã phát hiện chế độ ăn nhiều trái cây, rau quả, protein, ít chất béo và sữa có xu hướng dẫn đến giấc ngủ ngon hơn.

Và bạn cũng có thể đã biết điều này, ăn đêm quá sát giờ đi ngủ cũng có thể phá hỏng khoảng thời gian nghỉ ngơi của bạn.

3. Tác dụng phụ của thuốc

Nếu bạn cảm thấy lúc nào cũng mệt mỏi và buồn ngủ khi đang điều trị bệnh, thì đó có thể là tác dụng phụ của thuốc. Nhiều loại thuốc có tác dụng phụ gây buồn ngủ bao gồm thuốc chống trầm cảm, thuốc huyết áp và đặc biệt là thuốc chống dị ứng.

4. Sự buồn ngủ tự nhiên

Hầu hết mọi người đều có một khoảng thời gian chùng xuống trong ngày, thời điểm mà bạn cảm thấy rất buồn ngủ. Đối với những người làm ca đêm, đó là khoảng từ hai đến bốn giờ sáng. Đối với người làm việc ban ngày, đó là khoảng hai rưỡi chiều.

"Đó là hiệu ứng từ chiếc đồng hồ sinh học trong cơ thể", bác sĩ Murray cho biết. "Mỗi một tế bào trong cơ thể bạn đều có một chiếc đồng hồ nhỏ bên trong mình, chạy qua các vòng thời gian nhỏ của chúng".

Rất khó để có thể cưỡng lại được chiếc đồng hồ sinh học này, bởi vậy, bác sĩ Murray khuyến cáo tốt nhất mọi người không nên sắp xếp các công việc đòi hỏi tập trung cao độ vào các khoảng thời gian này.

5. Rối loạn giấc ngủ

Nhiều người mệt mỏi dù nghĩ mình đã ngủ đủ giấc, nhưng thực sự thì sao? Có thể giấc ngủ của họ vào ban đêm không thực sự là một giấc ngủ. Bởi nhiều rối loạn có thể làm giảm chất lượng giấc ngủ ban đêm của bạn bao gồm chứng ngưng thở khi ngủ, ngủ nông, bóng đè, ác mộng...

Nếu ban ngày bạn thường mệt mỏi đến mức thiếp đi vào những thời điểm không thích hợp như khi đang nói chuyện với bạn bè, khi đang lái xe... rất có thể bạn đã mắc một hội chứng gọi là ngủ rũ. Còn nếu bạn hoàn toàn không thể ngủ được vào ban đêm, dù đi ngủ từ rất sớm, có thể bạn đã mắc chứng mất ngủ.

Trên đây đều là những dấu hiệu cho thấy bạn nên đi khám.

6. Bạn đang mắc một bệnh nào khác

Trên thực tế nhiều người lo lắng đến mức google xem "Mệt mỏi cả ngày có phải là triệu chứng ung thư hay không?". Nhưng đừng lo lắng quá, mệt mỏi một mình nó rất khó có thể là dấu hiệu của ung thư.

Mặc dù vậy, nó vẫn có khả năng liên quan đến một số bệnh khác. Cảm thấy mệt mỏi cả ngày đôi khi là một triệu chứng trầm cảm. Bệnh tuyến giáp cũng khiến người ta cảm thấy mệt mỏi. Ngoài ra, một số bệnh lý thần kinh như Parkinson cũng có thể gây thoái hóa vùng não kiểm soát giấc ngủ gây ra sự mệt mỏi cả ngày trời.


Điều gì xảy ra khi bạn không ngủ đủ giấc?

Một lần nữa, có thể bạn đã biết điều này, nhưng phải nhắc lại rằng thiếu ngủ sẽ tác động tiêu cực đến cả thể chất và tâm lý của bạn.

1. Bạn sẽ có tâm trạng tồi tệ

Giống với những đứa trẻ mới biết đi, khi không ngủ đủ giấc, những người lớn chúng ta cũng có thể trở nên cáu kỉnh, thường xuyên nổi giận một cách vô cớ và tựu chung lại là không hạnh phúc.

2. Mất tập trung

Đã bao giờ bạn phải bỏ dở công việc hay thậm chí là một cuộc họp giữa chừng vì kiệt sức chưa? Sẽ rất khó để tập trung và thực hiện các công việc đầu óc khi bạn không ngủ đủ giấc.

Điều này đôi khi có thể nguy hiểm: mất tập trung trong khi lái xe có thể dẫn đến tai nạn giao thông.

3. Nguy cơ mắc bệnh

Bác sĩ Murray nói rằng những người thiếu ngủ có xu hướng tăng trọng lượng cơ thể và có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường và bệnh tim mạch cao hơn.

"Tôi nghĩ rằng mọi người thường đánh giá thấp tác động của việc mất ngủ đối với sức khỏe tổng thể", ông nói. "Nhưng sự thật là chúng ta dành tới một phần ba cuộc sống của mình để ngủ, vì vậy cơ thể chúng ta đã thích nghi để cần một giấc ngủ chất lượng".


Làm thế nào để hết mệt mỏi?

1. Ngủ nhiều hơn

Bạn biết mà, đó là cách hiệu quả để giải quyết vấn đề. Cơ thể bạn mệt mỏi và nó cần nghỉ ngơi. Đừng ép mình làm việc quá sức.

Để có một giấc ngủ chất lượng, bạn sẽ cần một căn phòng đủ mát mẻ, đủ tối, đủ yên tĩnh, một chiếc đệm thật êm, gối cổ và gối ôm... Và tốt nhất là hãy tránh xa tất cả các thiết bị điện tử.

Tổ chức Giấc ngủ Quốc gia Hoa Kỳ giải thích rằng máy tính, điện thoại và các thiết bị khác ngăn chặn cơ thể bạn giải phóng melatonin, một loại hormone kích thích giấc ngủ. Các thiết bị này không chỉ làm bạn tỉnh táo hơn mà còn làm chậm giấc ngủ REM của bạn.

2. Tập thể dục nhiều hơn

Đừng lười biếng, đó là một sự thật mà bạn phải chấp nhận. Con người được thiết kế để vận động, và mức vận động ít nhất mà bạn nên dành ra trong ngày là khoảng 30 phút, và 60 phút với những người có công việc văn phòng phải ngồi nhiều.

3. Cân bằng chế độ ăn uống của bạn

Bạn cần phải ăn đủ chất qua một chế độ dinh dưỡng đa dạng các loại thực phẩm, nhiều rau, củ, quả, đạm, giảm béo và đường nếu cần thiết.

4. Tham khảo ý kiến bác sĩ về các loại thuốc đang sử dụng

Nếu bạn đang điều trị bệnh và có một loại thuốc làm bạn buồn ngủ, hãy trao đổi điều đó với bác sĩ.

Họ có thể cung cấp cho bạn một loại thuốc có dược lực tương đương nhưng không buồn ngủ, hoặc chí ít cũng thay đổi liều lượng hoặc xem xét chuyển bạn sang một phương pháp điều trị khác.

5. Uống cà phê

Điều này rất hữu ích trên một khía cạnh nào đó. "Một vài tách cà phê mỗi ngày có thể giúp cải thiện sự tỉnh táo của bạn", bác sĩ Murray nói. "Nhưng caffeine không thể thay thế hoàn toàn cho giấc ngủ".

Vì vậy, cà phê chỉ nên là một phương án dự phòng chứ không nên là phương án trường kỳ kháng chiến với tình trạng mệt mỏi của bạn.

6. Đứng lên thường xuyên hơn

Nếu là một người có công việc ít vận động như nhân viên văn phòng hay lái xe, điều cuối cùng mà bạn có thể làm dễ dàng là hãy đứng dậy thường xuyên hơn. "Đứng dậy là một trong những cách hiệu quả nhất để lấy lại sự tỉnh táo", bác sĩ Murray cho biết. "Chỉ riêng việc thay đổi tư thế thôi đã có thể tạo ra hiệu quả lớn lên cơn mệt mỏi của bạn".

Nguồn: Trí Thức Trẻ

Mới hơn Cũ hơn

Bài viết

Tư vấn

Tiện ích

Kết nối

Cá nhân