Chào mừng Quý Thầy Cô, Quý Cha mẹ học sinh, và các bạn học sinh đến với Phòng Tâm lý học đường trực tuyến dành riêng cho học sinh trên địa bàn Quận Tân Phú. Đây là dự án được thực hiện nhằm trang bị cho học sinh những kiến thức cần thiết về đời sống tâm lý và chăm sóc sức khoẻ tinh thần, hỗ trợ phòng ngừa, phát hiện và can thiệp kịp thời giúp học sinh giải quyết các vấn đề tâm lý. Thông qua dự án, góp phần nâng cao chất lượng đời sống tinh thần học sinh và xây dựng môi trường học đường trong sạch, lành mạnh.

Nạn nhân của bắt nạt trực tuyến thường có những dấu hiệu gì?


Các hành vi bắt nạt lặp đi lặp lại để lại những cảm xúc tiêu cực cho chính nạn nhân. Biểu hiện của nạn nhân sẽ phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của hành vi. Thậm chí, một số trường hợp có thể phải đối mặt với những ảnh hưởng tâm lý do Cyberbullying gây ra. Dưới đây là các dấu hiệu nhận biết nạn nhân của bắt nạt trực tuyến:

1. Tâm trạng khó chịu, bực dọc, chán nản, tức giận,…

Với những hành vi đe dọa nặng nề, nạn nhân thường có phản ứng chung là sợ hãi, bi quan và buồn bã. Tuy nhiên cũng có những trường hợp trở nên hoảng loạn và mất kiểm soát.

Các hành vi đe dọa thường lặp đi lặp lại trong thời gian dài. Do đó, nạn nhân có thể phải đối mặt với các cảm xúc tiêu cực dai dẳng dẫn đến tình trạng giảm năng lượng, uể oải, stress và suy nhược.

2. Thay đổi thói quen sinh hoạt

Một số người sẽ có sự thay đổi trong cách sinh hoạt, ăn uống như không hoạt bát, vui vẻ như trước, hay buồn rầu, chán ăn hoặc ăn uống quá mức.

3. Né tránh hoặc dành nhiều thời gian quá mức cho các thiết bị điện tử, các trang mạng xã hội

Dành nhiều thời gian cho các nền tảng mạng xã hội để theo dõi hành vi đe dọa, công kích vì lo sợ danh dự của bản thân sẽ bị bôi nhọ. Tuy nhiên, cũng có những người quá sợ hãi và từ bỏ mạng xã hội để không phải chứng kiến những bài đăng, bình luận ác ý về bản thân.

4. Giảm hiệu suất học tập, làm việc

Ban đầu, các cảm xúc tiêu cực từ những hành vi đe dọa chỉ ảnh hưởng đến thói quen sinh hoạt. Tuy nhiên về lâu dài, các hành vi này có thể làm giảm hiệu suất lao động – học tập và dẫn đến vô số hệ lụy khác.

5. Cố gắng tự làm hại bản thân hoặc đe dọa tự tử

Trong nhiều trường hợp, đặc biệt là những trường hợp mà sự bắt nạt được công bố rộng rãi, những cảm xúc tiêu cực, những áp lực và nỗi lo sợ vô hình khiến nạn nhân rơi vào trạng thái tuyệt vọng. Các chuyên gia nói rằng nạn nhân của bắt nạt trực tuyến (đặc biệt là ở lứa tuổi thanh thiếu niên) – và chính những kẻ bắt nạt – có nguy cơ tự sát và cố gắng tự sát ở mức độ cao hơn.

Ranh giới giữa "đùa vui" và "bắt nạt" đôi khi rất mong manh. Một vài lời bông đùa trong thoáng chốc cũng có thể để lại những "vết sẹo" tinh thần lâu dài. Hãy cẩn trọng với sự tiện lợi và những "quyền lực ảo" của internet để luôn là một "netizen" văn minh bạn nhé!

Nguồn: Beautiful Mind VN

Mới hơn Cũ hơn

Bài viết

Tư vấn

Tiện ích

Kết nối

Cá nhân