Chào mừng Quý Thầy Cô, Quý Cha mẹ học sinh, và các bạn học sinh đến với Phòng Tâm lý học đường trực tuyến dành riêng cho học sinh trên địa bàn Quận Tân Phú. Đây là dự án được thực hiện nhằm trang bị cho học sinh những kiến thức cần thiết về đời sống tâm lý và chăm sóc sức khoẻ tinh thần, hỗ trợ phòng ngừa, phát hiện và can thiệp kịp thời giúp học sinh giải quyết các vấn đề tâm lý. Thông qua dự án, góp phần nâng cao chất lượng đời sống tinh thần học sinh và xây dựng môi trường học đường trong sạch, lành mạnh.

Lỡ thất hứa vì có chuyện khẩn cấp, phải làm sao?

 

Trót lên lịch một “kèo” đi chơi cuối tuần với đứa bạn thân, nhưng cuối tuần đến rồi mà bạn lại có chuyện đột xuất. Đứng trước cảm giác “có lỗi” vì thất hứa vào phút chót và cơn giận từ đứa bạn thân, bạn đau đầu không biết phải làm sao cho "vẹn cả đôi đường"?

Trong cuộc sống, rất nhiều lúc chúng ta buộc phải lựa chọn ưu tiên những việc gấp gáp và quan trọng hơn, những lúc lỡ thất hứa vì có chuyện khẩn cấp như vậy, nếu biết cách truyền đạt và làm cho những người xung quanh cảm thấy thuyết phục, thì chúng ta vừa có thể xử lý chuyện gấp gáp mà không làm ảnh hưởng tới mối quan hệ với bạn bè, người thân đấy! Nên làm gì khi lỡ thất hứa với ai đó vì có chuyện khẩn cấp?

1. Giải thích tình hình một cách rõ ràng.

Đầu tiên, bạn cần giải thích tình hình một cách rõ ràng, vì sao ư?

Tâm trạng của bạn sẽ thoải mái hơn

Dù lẳng lặng hủy hẹn hay lờ đi chuyện gấp để giữ lời hứa với bạn bè thì tâm trạng của bạn cũng sẽ tràn ngập cảm giác “có lỗi” và lo lắng. Việc giải thích tình hình rõ ràng với người bạn của mình sẽ giúp bạn thôi lo lắng và tưởng tượng về những viễn cảnh tồi tệ, tâm trạng của bạn thoải mái hơn và tập trung hơn vào việc giải quyết vấn đề.

Bạn bè “dễ” thông cảm hơn

Bạn không thể yêu cầu người khác thông cảm vô điều kiện cho mình, hãy giúp họ hiểu chuyện gì đang xảy ra. Khi nghe bạn giải thích, không chắc người bạn đó có cảm thấy thấy thuyết phục hay không nhưng ít nhất, bạn ấy có thể hiểu được tình hình của bạn.


2. Chuẩn bị “lời từ chối”

Sau khi giải thích tình hình rõ ràng, một "lời từ chối" đúng cách và tử tế là vô cùng cần thiết. Bạn có thể chuẩn bị "lời từ chối" với những gợi ý sau:

Công thức: Lời xin lỗi + Lí do từ chối + Lời từ chối + Phương án thay thế

Dù hoàn cảnh và tình huống có thể khác nhau, nhưng nhìn chung, chúng mình có thể chuẩn bị một lời từ chối cơ bản với “công thức” sau: Lời xin lỗi + Lí do từ chối + Lời từ chối + Phương án thay thế.

Đây là một công thức đơn giản và hiệu quả mà Psygital gợi ý cho bạn, ví dụ nè: “Xin lỗi bà nhen, mẹ mới nhờ tui trông hàng, nay không đi hội sách với bà được rồi, mai mình đi nhé?”

Thử tập nói vài lần

Trước khi nói, hãy nhẩm đi nhẩm lại “lời từ chối” của bạn trong đầu, nếu cảm thấy không có dũng khí và tự tin, hãy luyện trước bằng cách nói thành lời nhiều lần cho thật trôi chảy.


3. Thể hiện sự chân thành

Cuối cùng, hãy nhớ rằng lời xin lỗi hay từ chối một cái hẹn đều cần cố gắng nói càng sớm càng tốt, điều này phần nào thể hiện sự chân thành của bạn, cũng giúp người bạn của tụi mình bớt đi sự “hụt hẫng”. Bạn có thể gửi lời xin lỗi gián tiếp hoặc trực tiếp, nếu gặp trực tiếp, khi nói hãy đến gần bạn mình, nhìn vào mắt bạn ấy và nói lời từ chối của bạn thật rõ ràng, chân thành.


Nguồn: Psygital

Mới hơn Cũ hơn

Bài viết

Tư vấn

Tiện ích

Kết nối

Cá nhân